Tác giả: Sỹ Hòa – Thế Giới Tiếp Thị – 27/02/2019
Cưu mang cả trăm người tâm thần
Hôm chúng tôi đến, chị Hạc ở nhà, còn anh Phước đã đi làm. Kể về cơ duyên vợ chồng chị nuôi hàng trăm người tâm thần, chị bảo, năm 2003, kinh tế gia đình rất khó khăn, anh chị vừa chăm lo con nhỏ, vừa lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Hàng ngày, anh Phước đi lái xe thuê kiếm từng đồng, còn chị lên rẫy làm cà phê, ai thuê gì làm nấy, chỉ mong sao có đủ tiền để lo cho gia đình.

Trong một lần chạy xe thuê, anh Phước tình cờ gặp một thanh niên đi lang thang ngoài đường, một bên chân bị trói, anh sợ xe đụng vào nên liền dừng xe xuống hỏi. Nhưng rồi, đáp lại lời hỏi thăm của anh chỉ là những cái lắc đầu ngơ ngác. Thấy thương, anh Phước cho người thanh niên lạ lên xe, đưa về nhà chăm sóc.
“Hôm đó, thấy anh Phước dìu từ trên xe xuống một người lạ, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những câu chuyện vô nghĩa, rồi cả nụ cười ngây ngây… anh nói sẽ nuôi thanh niên này, tôi cứ ngỡ anh đang nói đùa. Nhưng sau câu nói của anh Phước: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?” thì tôi hiểu đó là câu nói thật lòng nên đồng ý”, chị Hạc kể.

Rồi cũng từ đó, anh Phước càng dẫn nhiều người điên về nhà. Tiếng lành đồn xa, những người mắc bệnh tâm thần ở khắp nơi như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ… cũng tự tìm đến hoặc được người nhà đưa tới gửi nhờ anh chị chăm sóc giúp.
Càng ngày số lượng người tâm thần đến với ngôi nhà anh chị càng tăng. Đến nay đã có gần 100 người được vợ chồng anh chị cưu mang. Sợ ảnh hưởng làng xóm xung quanh nên anh chị quyết định rời nhà vào trong rẫy để sống tách biệt. Vừa nhằm mục đích tạo không gian thoải mái cho các bệnh nhân điều trị bệnh, vừa đỡ làm phiền hàng xóm, lại tránh được những tai nạn không đáng có cho bệnh nhân và mọi người.

Tình thương xoa dịu bệnh tật
Điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị Hạc vẫn phải chạy vạy kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Cứ hễ ở đâu có người kêu chạy xe thuê là ngay lập tức anh Phước có mặt. Những chuyến xe không còn đơn thuần mang ý nghĩa công việc, mà nó còn là cả mồ hôi, công sức, tấm chân tình anh Phước gửi đến gần 100 người bạn đặc biệt của mình. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, các thành viên trong nhà dường như thấu hiểu sự vất vả của vợ chồng anh chị nên sống vui vẻ, ít đi lang thang, không còn gây gổ đánh nhau.


Những người tâm thần chung tay làm những công việc nhẹ nhàng.
Dù không học qua một trường lớp nào, thuốc men, ăn uống cũng đơn giản nhưng các bệnh nhân tâm thần nặng hay nhẹ sau một thời gian ở đây đều có dấu hiệu thuyên giảm. Những người được vợ chồng chị Hạc nhận về nuôi đã dần ổn định hơn về mặt tinh thần, có những người đã biết giúp đỡ chị Hạc lo toan các việc nhỏ nhặt trong nhà.
Chị Hạc chia sẻ: “Cũng chẳng có phương pháp gì, vợ chồng tôi xem tất cả bệnh nhân ở đây như những thành viên trong gia đình. Các bệnh nhân với nhau xem như là anh em. Đối với bệnh tâm thần thì vấn đề tâm lý là điều rất quan trọng, chỉ có xây dựng cuộc sống vui vẻ, hòa đồng như một gia đình lớn mới nhanh bình phục được”.


Vợ chồng chị Hạc chăm sóc người tâm thần từng miếng ăn giấc ngủ.

Tất cả họ đều quý mến những thành viên trong gia đình chị Hạc.
Bài viết gốc được đăng trên Thế Giới Tiếp Thị tại đây:
https://thegioitiepthi.vn/doi-vo-chong-ngheo-cuu-mang-ca-tram-nguoi-tam-than-158667.html